Trong hai ngày 19–20 tháng 6 năm 2025, Hội thảo APEC với chủ đề “Thúc đẩy hiệu quả năng lượng trong ngành sản xuất” đã diễn ra thành công, thu hút sự tham dự của đông đảo chuyên gia, nhà hoạch định chính sách, đại diện doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế đến từ nhiều nền kinh tế thành viên APEC. Đại diện Khoa Điện – Điện tử, Trường Đại học Công nghiệp Việt – Hung đã vinh dự tham dự sự kiện quan trọng này.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam – nhấn mạnh vai trò then chốt của việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong ngành công nghiệp, lĩnh vực tiêu thụ năng lượng lớn nhất tại nhiều nền kinh tế. Diễn văn khai mạc mở đầu cho phần thảo luận tổng quan về nhu cầu năng lượng trong ngành sản xuất, với sự điều phối của ông Nguyễn Thành Tùng (Tổng Giám đốc Limestone Capital). Tại đây, TS. Terrence Surles – chuyên gia tư vấn của Viện Năng lượng Tự nhiên Hawaii (Hoa Kỳ) – đã trình bày chuyên sâu về thực trạng tiêu thụ năng lượng trong công nghiệp, xu hướng toàn cầu và các khuyến nghị chính sách từ kinh nghiệm quốc tế.

Trong ngày làm việc đầu tiên, hội thảo tập trung vào ba nội dung trọng tâm.
Trước hết, phiên thảo luận về cơ hội thúc đẩy hiệu quả năng lượng trong ngành sản xuất đã nêu bật các giải pháp kỹ thuật và chính sách nhằm tối ưu hóa hiệu suất năng lượng, đặc biệt là cải tiến công nghệ, tự động hóa quy trình và sử dụng thiết bị hiệu suất cao. TS. Pan Tze-Chin (Đài Bắc Trung Hoa) và chuyên gia Vũ Quang Đăng (Việt Nam) đồng thời nhấn mạnh vai trò của cơ chế tài chính khuyến khích, đặc biệt là tài chính xanh.
Tiếp theo là phiên làm rõ những rào cản trong việc triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng, trong đó các chuyên gia đến từ Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam đã chỉ ra các thách thức chủ yếu như hạn chế về tài chính, thiếu công nghệ phù hợp, mức độ nhận thức còn thấp trong doanh nghiệp, cùng với khuôn khổ chính sách chưa hoàn thiện.
Phiên cuối trong ngày thứ nhất nhấn mạnh vai trò của đổi mới và tài chính trong việc hỗ trợ các giải pháp công nghệ năng lượng. TS. Pan Tze-Chin và ông Arthit Vechakij (Thái Lan) đã trình bày về các mô hình hợp tác công – tư, các công cụ tài chính sáng tạo như tín dụng xanh, cũng như những điển hình thành công trong việc huy động nguồn lực xã hội hóa cho các sáng kiến năng lượng bền vững.
Sang ngày làm việc thứ hai, hội thảo tiếp tục với các phiên chuyên đề mang tính thực tiễn và hành động cao. Trước tiên là phiên chia sẻ các nghiên cứu tình huống điển hình tại các nền kinh tế APEC, với sự tham gia của các chuyên gia đến từ Trung Quốc, Hoa Kỳ, Thái Lan và APERC. Các mô hình được giới thiệu bao gồm hệ thống quản lý năng lượng tại nhà máy, cải tiến quy trình sản xuất tiết kiệm năng lượng và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi xanh
Tiếp đến là phiên làm việc nhóm, nơi các đại biểu cùng thảo luận, phân tích thách thức tại từng nền kinh tế, chia sẻ tri thức, xác định các sáng kiến ưu tiên và khuyến nghị chính sách cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong khu vực. Các nhóm làm việc cũng đề xuất các cơ chế huy động nguồn lực và giải pháp thực thi thiết thực cho từng bối cảnh khác nhau.
Kết thúc hội thảo là phiên trình bày kết quả thảo luận nhóm, trong đó đại diện các nhóm đã nêu bật nhiều ý tưởng hành động như: xây dựng nền tảng dữ liệu chia sẻ về hiệu suất năng lượng trong ngành sản xuất, thúc đẩy đổi mới công nghệ trong quản lý năng lượng công nghiệp, phát triển các gói tài chính ưu đãi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, và hình thành mạng lưới hợp tác APEC về chuyển giao công nghệ tiết kiệm năng lượng.
Một số chuyên gia tiêu biểu tại hội thảo:
TS. Nguyễn Ngọc Hùng – Viện Năng lượng, Bộ Công Thương, Việt Nam: Chủ nhiệm Đề án Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia; có hơn 24 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh tế năng lượng, mô hình hóa và chính sách năng lượng.
TS. Terrence Surles – Viện Năng lượng Tự nhiên Hawaii (Hoa Kỳ): Chuyên gia kỳ cựu trong chính sách và hiệu quả năng lượng, đã xuất bản hơn 400 công trình khoa học, từng đảm nhiệm nhiều vị trí cao cấp trong các cơ quan năng lượng của Hoa Kỳ.
Bà Jenjira Gulpanich – Bộ Phát triển và Hiệu quả Năng lượng Thái Lan: Phụ trách các chương trình tiết kiệm năng lượng trong khu vực công nghiệp và nông nghiệp, đồng thời tham gia xây dựng các cơ chế tài chính hỗ trợ triển khai.
Ông Vũ Quang Đăng – Chuyên gia năng lượng độc lập: Với gần 20 năm kinh nghiệm, ông đã tư vấn cho WB, ADB, EU, GIZ... trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, tài chính xanh và chính sách năng lượng tại Việt Nam.
TS. Phùng Quốc Huy – Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng Châu Á – Thái Bình Dương (APERC): Có nhiều đóng góp cho các báo cáo chính sách năng lượng của APEC, đặc biệt trong lĩnh vực thu giữ và lưu trữ carbon (CCS).
GS. TS. Peng Wang (汪鹏) – Trung Quốc: Giáo sư về chuyển dịch năng lượng và tích hợp công nghệ số, chủ trì nhiều đề tài cấp quốc gia và quốc tế liên quan đến năng lượng bền vững.
Khoa Điện - Điện tử, Trường Đại học Công nghiệp Việt - Hung đánh giá cao cơ hội được tham dự hội thảo lần này. Thông qua các phiên thảo luận chuyên sâu và các hoạt động nhóm, đoàn công tác đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm quốc tế trong việc triển khai các mô hình hiệu quả năng lượng, tiếp cận công nghệ mới và định hướng chính sách tiên tiến. Đây là cơ sở quan trọng để tiếp tục phát triển các hoạt động nghiên cứu, đào tạo và hợp tác quốc tế của nhà trường trong lĩnh vực năng lượng bền vững
Một số hình ảnh tại hội thảo:





Tin&ảnh: Thầy Nguyễn Nhật Long