Nghiên cứu khoa học của sinh viên là một nội dung quan trọng trong chương trình đào tạo ở trường đại học, qua đó hình thành tư duy và phương pháp NCKH cho sinh viên. Do đó, hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên cũng đã và đang được đẩy mạnh tại Khoa Quản trị, ngân hàng. Ngoài ra, đây còn là một hoạt động trí tuệ giúp sinh viên vận dụng các lý thuyết và phương pháp nghiên cứu để triển khai vận dụng vào thực tiễn, nâng cao khả năng tư duy và sáng tạo, tăng khả năng hệ thống hóa và sắp xếp công việc, mở rộng kiến thức, tăng kỹ năng mềm. Đặc biệt, đây cũng là cơ hội kết nối giữa các nhóm sinh viên NCKH với nhau và với các thầy cô hướng dẫn.
Năm học 2023 - 2024, Khoa Quản trị, Ngân hàng đã có 3 đề tài NCKH được nghiệm thu, với nội dung bài đạt tính khoa học khá cao với tư duy logic từ việc xây dựng cơ sở lý luận, phân tích thực trạng và đưa ra giải pháp tương ứng. Với sự hướng dẫn nhiệt tình của các thầy cô, 03 nhóm sinh viên với tổng 8 bạn đã cùng nhau phân tích các tình huống thực tế tại doanh nghiệp. Cụ thể như sau:
+ Đề tài “Nâng cao hiệu quả hoạt động truyền thông marketing tại Công ty TNHH nội thất Trường Sa, giai đoạn 2024-2026” do Bùi Thị Quỳnh, Phạm Thị Hạnh, Nguyễn Thị Lan Anh thực hiện với sự hướng dẫn của giảng viên Th.S Nguyễn Thành Đạt.
+ Đề tài “Phân tích tình hình tài chính tại Công ty TNHH MTV Quang điện – Điện tử” do Đỗ Thị Lan Hương, Phạm Hải Hằng với sự hướng dẫn của giảng viên Phan Thùy Dương.
+ Đề tài “Phân tích và dự báo tình hình tài chính công ty cổ phần tập đoàn Đất Xanh” do Đỗ Thị Ngọc Lan, Khúc Văn Hòa, Nguyễn Thị Thu Thủy với sự hướng dẫn của giảng viên Nguyễn Mạnh Hà.
Nghiên cứu khoa học sinh viên, có lẽ điều đầu tiên sinh viên cảm nhận được là mất thời gian, là khó khăn, là ngại,... Nhưng sau khi trải nghiệm làm NCKH, rất nhiều bạn đã chia sẻ cảm nhận với nhiều điều bổ ích như:
Thứ nhất, tham gia NCKH sẽ giúp sinh viên hiểu sâu hơn những kiến thức được học ở trên giảng đường với các môn học chuyên ngành và phương pháp nghiên cứu khoa học. Thông qua những hoạt động nghiên cứu như tìm hiểu vấn đề nghiên cứu thông qua dữ liệu thứ cấp của doanh nghiệp hoặc việc thiết kế nghiên cứu, nghiên cứu định tính, định lượng thông qua bảng hỏi khảo sát,… từ đó, sinh viên sẽ có được những trải nghiệm mới để nhìn nhận chính xác hơn, khách quan hơn về các vấn đề trong kinh tế.
Thứ hai, hoạt động NCKH giúp sinh viên thực hiện đề tài một cách khoa học từ việc lập mục tiêu, xây dựng kế hoạch, quản lý thời gian, triển khai nhiệm vụ và kết luận vấn đề. Qua đó, sinh viên sẽ tự trang bị được cái nhìn bao quát một vấn đề và các kỹ năng phản biện, nâng tầm tư duy và sáng tạo.
Thứ ba, NCKH cũng giúp sinh viên gắn kết và mở rộng các mối quan hệ thông qua làm việc trực tiếp với các giảng viên, bạn bè và những cơ hội được tham quan và trải nghiệm tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thực tế. Đặc biệt, NCKH cũng sẽ giúp sinh viên nâng cao kỹ năng đọc viết bằng tiếng Anh thông qua tìm hiểu và đọc các bài báo quốc tế, tìm kiếm các thông tin trên thế giới internet.
Thứ tư, NCKH giúp sinh viên có được giấy chứng nhận tham gia NCKH, và các giải thưởng cũng như cơ hội có thể được đầu tư để tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu. Đồng thời, NCKH có thể giúp bạn hình thành ý tưởng khởi nghiệp ngay từ thời sinh viên. Ngoài ra, các nhà tuyển dụng, các doanh nghiệp, các tổ chức cấp học bổng, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước cũng có thể ưu tiên tuyển dụng hơn với những sinh viên có tham gia NCKH.
Vì vậy, trải nghiệm làm NCKH là một trong những trải nghiệm đáng quý mà sinh viên có cơ hội trải qua trong suốt quá trình học tập tại nhà trường.
Ngoài ra, các thầy cô trong khoa Quản trị, Ngân hàng cũng luôn nâng cao kiến thức và kỹ năng NCKH trong quá trình công tác tại trường bằng các nghiên cứu được công bố bởi các hội thảo khoa học như:
- Bài viết được xuất bản tại Hội thảo quốc tế do trường Đại học Ngoại Thương chủ trì: 3rd International conference for Graduate Education of “Sustainable Development in The New Context: Country and Firm Level Perspectives” organized by Foreign Trade University - Hội nghị quốc tế lần thứ 3 về giáo dục sau đại học về “Phát triển bền vững trong bối cảnh mới: Quan điểm cấp quốc gia và doanh nghiệp” của giảng viên Đỗ Thị Hằng.
- Bài viết xuất bản tại Hội thảo quốc tế do trường Đại học kinh tế quốc dân chủ trì: The 19th international conference on socio-economic and environmental issues in development (icseed-2024) - hội nghị quốc tế lần thứ 19 về các vấn đề kinh tế - xã hội và môi trường trong phát triển (icseed-2024) của giảng viên Đỗ Thị Hằng.
- Giảng viên: Nguyễn Thị Nga, Nghiên cứu về kế toán quản trị chiến lược. - Tạp chí kế toán kiểm toán.
- Giảng viên: Nguyễn Thị Huyền Trang, Chuyển đổi số - cơ hội và thách thức cho sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp Việt Nam.
Tin & ảnh: Bùi Thị Hồng Chinh