Khoảng thời gian đầu khóa học là lúc các bạn tân sinh viên gặp nhiều khó khăn nhất: từ việc thay đổi cách học, môi trường sống, đến hoàn cảnh xã hội xung quanh.
Sau đây là một vài chia sẻ giúp các bạn học tốt và đạt thành tích cao trong môi trường đại học.
1. Làm chủ thời gian của bản thân
Học đại học không giống với bậc học phổ thông, khi học đại học đa số các bạn sinh viên phải tự chủ mọi thứ. Để cân bằng giữa cuộc sống với học tập thì sinh viên phải có phương pháp làm chủ thời gian, tức là biết cách sắp xếp thời gian học hiệu quả. Sinh viên cần phải có thời gian ăn uống học tập phù hợp phải dành thời gian tương xứng cho việc học
2. Chủ động trong việc học
Đại học với cách học hoàn toàn khác biệt so với các cấp học khác, ở cấp độ này, việc cần thiết đối với mỗi sinh viên là chủ động học và tham khảo thông tin. Chủ động có nghĩa là trước mỗi bài học bạn nên tập trung tìm hiểu trước và hãy hỏi các giảng viên những điều mình không hiểu. Điều này giúp cho bạn ghi nhớ kiến thức được tốt nhất và lâu nhất. Không những thế chủ động học tập còn giúp bạn có thể ghi nhớ một cách khoa học nhất.
Nhiều bạn có thói quen chỉ tìm hiểu thông tin trong giáo trình, tuy nhiên chỉ như vậy là chưa đủ. Bạn cần tìm kiếm thêm thông tin hữu ích từ internet để làm phong phú sự hiểu biết của mình.
3. Tự học
Bạn nên dành thời gian học ở nhà thường xuyên. Ở đại học, việc tự học ở nhà không khó như ở trường trung học. Bạn không cần phải dành cả đêm hoặc thậm chí thức cả đêm để làm bài tập về nhà. Mỗi ngày bạn chỉ cần dành ra 20 - 30 phút cho mỗi môn học là có thể nắm được những gì đã học hôm trước và biết được những gì sẽ học vào ngày hôm sau. Và bạn nên biến nó thành một thói quen hàng ngày.
4. Rèn kỹ năng ghi nhớ
Hãy rèn luyện cho bộ não, vì nếu không hoạt động não sẽ chết dần. Để có một trí nhớ tốt hãy chọn cho mình những thói quen tích cực như: khi đến trường kiểm tra sách vở, ghi chép tích cực, luôn động não suy nghĩ, không ỷ lại, ghi giấy nhớ, quan sát,…
Ghi nhớ là một kỹ năng sống, một khả năng quan trọng và cần thiết, được sử dụng trong suốt cuộc sống của một con người. Nó giúp học sinh nhớ được kiến thức và hệ thống hóa kiến thức tốt hơn, giảm được thời gian học tập. Khả năng ghi nhớ còn đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống và cả trong công việc của tất cả mọi người từ trẻ em lẫn người trưởng thành. Cùng một nội dung nhưng ghi nhớ không phải là nhớ từng câu từng chữ mà là nhớ những ý chính, những khái niệm và kiến thức trọng tâm.
5. Rèn luyện kỹ năng thuyết trình trước đám đông
Môn thuyết trình có thể rèn luyện cho sinh viên sự tin tin khi đứng trước nhiều người. Ngoài ra, hoạt động này còn giúp hoàn thiện kỹ năng giao tiếp, gồm việc học và thực hành cách sử dụng từ ngữ, ngôn ngữ cơ thể, nâng cao hiệu quả giao tiếp với đồng nghiệp, khách hàng, bạn bè, cấp trên sau này. Bạn hãy rèn luyện kỹ năng thuyết trình bằng nhiều cách:
- Thảo luận và làm việc nhóm
Thảo luận giúp sinh viên nắm được cách trao đổi ý kiến trong nhóm, tích lũy kỹ năng thăm dò và thu thập các dữ kiện, dữ liệu trong việc giải quyết bất đồng. Ngoài ra, sinh viên còn có thể phát hiện ra những tố chất phát triển kỹ năng điều hành và lãnh đạo.
- Tham gia các hoạt động ngoại khóa
Các hoạt động này không chỉ mang lại những giờ phút tận hưởng, giải lao ngoài giờ học trên lớp mà còn tạo điều kiện cho sinh viên phát triển các kỹ năng cá nhân như tư duy, giải quyết vấn đề, phản xạ, sáng tạo…
Trên đây là một số phương pháp học tập hiệu quả của sinh viên mà bạn nên biết. Đây không chỉ là phương pháp học tập ở đại học cho sinh viên năm nhất mà còn là phương pháp học tập hiệu quả cho sinh viên học đại học nói chung. Hãy áp dụng các phương pháp này ngay để nhận được kết quả tích cực nhé.
(Tác giả: Phan Thị Thu Hương - GV TT Đào tạo Bồi dưỡng)