Nếu như kỹ năng cứng được coi là điều kiện cần thì kỹ năng mềm chính là điều kiện đủ. Kỹ năng cứng giúp bạn bước qua một cánh cửa còn kỹ năng mềm mở ra nhiều cánh cửa khác. Kỹ năng mềm giúp phát huy các kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ để chạm tới thành công.
Kỹ năng mềm là những kỹ năng không gắn liền với kiến thức chuyên môn mà liên quan tới trí tuệ, tính cách, cảm xúc của con người. Kỹ năng mềm rất cần thiết trong công việc và cuộc sống.
Kỹ năng mềm chính là những khả năng liên quan đến sự lãnh đạo, huấn luyện, giao tiếp, hợp tác, sáng tạo, giải quyết vấn đề,... Tất cả các yếu tố này giúp cho công việc và mối quan hệ trở nên chuyên nghiệp hơn. Rất khó để đo lường kỹ năng mềm, người tìm việc thường bổ sung chúng vào cùng với các kỹ năng chính trong hồ sơ.
Kỹ năng mềm là chìa khóa để giúp cho mọi giao tiếp và hợp tác trở nên hiệu quả hơn. Sở hữu khả năng xây dựng một mối quan hệ mạnh, ngay cả với những người ít gặp hoặc liên hệ, trở thành yêu cầu không thể thiếu cho nhiều vai trò khác nhau.
* Kỹ năng mềm – kỹ năng dẫn đến thành công
Trên thực tế, những người thành công thường chỉ dựa trên nền tảng 25% là kiến thức chuyên môn, còn lại 75% là những kỹ năng mềm mà họ đã đúc kết được. Không giống với những kỹ năng cứng có thể học được một cách dễ dàng, kỹ năng mềm không có tính chuyên môn và phải trau dồi, luyện tập thường xuyên thì mới có thể áp dụng một cách thành thạo.
Jim Rohn đã từng có câu nói: “Nếu bạn chỉ giao tiếp, bạn có thể tồn tại. Nhưng nếu bạn giao tiếp khéo léo, bạn có thể tạo ra điều kỳ diệu”.
Kỹ năng mềm góp phần quyết định bạn là ai, làm việc như thế nào và hiệu quả ra sao. Dù bạn ở đâu, làm gì thì kỹ năng mềm cũng rất cần thiết. Loại kỹ năng này cần cho tất cả mọi người, từ nam tới nữ, già tới trẻ. Với riêng các bạn sinh viên các trường đại học nói chung và sinh viên trường Đại học Công nghiệp Việt - Hung nói riêng, việc trau dồi, rèn luyện kỹ năng mềm lại càng quan trọng. Nếu không, ngay khi ra trường các bạn sẽ rất dễ bị bỏ lại, thậm chí không ít người đã rơi vào tình cảnh thất nghiệp dài dài.
Nhà tuyển dụng có thể lựa chọn nhân sự dựa vào việc so sánh trình độ chuyên môn của nhiều ứng viên khác nhau. Tuy nhiên, việc nhận diện ra đâu là ứng viên phù hợp nhất với công ty lại được quyết định chủ yếu thông qua kĩ năng mềm của người ứng tuyển. Họ cần tìm được người hợp tác tốt với người khác, tạo động lực cho đồng nghiệp, bình tĩnh đối phó với khó khăn và có khả năng đáp ứng chính xác những gì mà tổ chức cần. Những cá nhân được đào tạo tốt về kỹ năng mềm sẽ làm lợi cho công ty theo cách đó. Ứng viên với những kỹ năng mềm tốt cũng có tiềm năng lớn để tạo thêm nhiều giá trị theo thời gian.
Rất nhiều sinh viên dù cầm tấm bằng giỏi trong tay nhưng vẫn không xin được công việc phù hợp. Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới thất bại là do thiếu kỹ năng sống (kỹ năng mềm). Các cử nhân không biết cách giao tiếp hiệu quả, cũng không biết cách thuyết phục hay giải quyết các vấn đề mình đang gặp phải. Thậm chí, ngay như việc làm việc nhóm họ cũng không thể hòa đồng. Ngược lại, có những bạn không thực sự xuất sắc nhưng luôn mạnh dạn, tự tin, biết cách giao tiếp,… những người này cũng nhanh chóng thích nghi trong mọi tình huống. Do vậy, họ dễ dàng được tuyển dụng và làm tốt công việc như mong muốn.
* Một số kĩ năng mềm mà sinh viên nên trang bị:
Kỹ năng mềm bao gồm rất nhiều loại kỹ năng cụ thể khác nhau. Một người càng có nhiều kỹ năng mềm càng tốt. Kỹ năng mềm chứng tỏ khả năng hòa nhập, tương tác với xã hội, cộng đồng, tập thể. Một số kỹ năng mềm mà sinh viên khi xin việc nên trang bị:
- Kỹ năng giao tiếp
- Kỹ năng thuyết trình
- Kỹ năng đàm phán, giải quyết vấn đề
- Kỹ năng làm việc độc lập hoặc làm việc nhóm
- Kỹ năng quản lý thời gian
- Kỹ năng lãnh đạo
- Kỹ năng làm việc dưới áp lực
- Kỹ năng thích nghi và linh hoạt
- Kỹ năng làm chủ và tự đánh giá bản thân
- Kỹ năng lắng nghe và chia sẻ, …
Kỹ năng mềm giúp mọi người trải nghiệm cuộc sống tốt hơn. Từ trải nghiệm để bản thân có cái nhìn sâu và đa chiều hơn. Khi được trang bị kỹ năng mềm sớm và đầy đủ sẽ giúp các bạn sinh viên dễ dàng thích ứng, hòa nhập tốt hơn, đồng thời cũng giúp các bạn sinh viên có phương pháp học tập, làm việc khoa học, đạt hiệu quả cao.
Các nhà tuyển dụng thường rất đề cao kỹ năng mềm trong cuộc sống. Họ yêu cầu và ưu tiên ứng viên có các kỹ năng mềm cần thiết. Đó có thể là kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng đàm phán,… Tùy từng môi trường và vị trí, kỹ năng mềm nào sẽ được đặt lên vị trí cao hơn.
* Một số giải pháp nâng cao kỹ năng mềm cho sinh viên:
Một là, chủ động, tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa, hoạt động xã hội. Khi còn là sinh viên các bạn nên tham gia vào các hoạt động của Đoàn thanh niên, sinh viên tình nguyện hay tham gia các câu lạc bộ để tích lũy thêm cho mình kiến thức và kỹ năng trong cuộc sống.
Hai là, mạnh dạn, tự tin thuyết trình trước đám đông. Ngoài việc tham gia vào các hoạt động ngoại khóa, hoạt động xã hội, các bạn sinh viên nên tích cực tham gia vào các bài thuyết trình trên lớp nhằm rèn luyện kĩ năng mềm, tích cực trao đổi với thầy cô và bạn bè để rèn luyện kĩ năng mềm thêm thành thạo.
Ba là, tích cực thảo luận và làm việc nhóm. Với việc tham gia thảo luận, làm việc nhóm thông qua các bài học trên lớp cũng góp phần rất lớn vào việc rèn luyện các kỹ năng mềm giúp sinh viên tự tin hơn trong học tập cũng như trong cuộc sống.
Bốn là, không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức qua sách báo hoặc người xung quanh. Việc trau dồi kiến thức giúp hỗ trợ sinh viên phát huy cao hơn nữa trong việc rèn luyện kĩ năng mềm giúp đạt được hiệu quả cao hơn trong học tập, làm việc.
Năm là, tích cực đi làm thêm. Các bạn sinh viên nên đi làm thêm để trải nghiệm, tích lũy được kỹ năng mềm phục vụ cho việc xin việc sau này được dễ dàng hơn do có ưu thế về kinh nghiệm, trải nghiệm.
Sáu là, tham gia các khóa học nâng cao kỹ năng,…Với những bạn sinh viên có điều kiện về thời gian có thể đầu tư tham gia vào các khóa học về kĩ năng mềm để có thể tích lũy thêm các bí quyết giao tiếp, làm việc và áp dụng vào trong thực tiễn tốt hơn.
Với việc trang bị các kỹ năng mềm cơ bản trên sẽ là công cụ hỗ trợ đắc lực cho các bạn sinh viên khi đi xin việc, giúp các bạn sinh viên mới tốt nghiệp có được khởi đầu tốt và cơ hội nghề nghiệp nhiều hơn. Bây giờ, ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường các bạn sinh viên hãy chủ động rèn luyện cho mình các kỹ năng mềm cơ bản trên để kịp hỗ trợ cho thời điểm ra trường xin việc của mình.
Nguyễn Thị Thanh Tâm – TTTS&HTSVKN