Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển công nghệ và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (Al) trong giáo dục, Trung tâm Đào tạo Bồi dưỡng Trường Đại học Công nghiệp Việt - Hung kết hợp với Trung tâm Khởi nghiệp và Sáng tạo xã hội (CSIE) thuộc Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã tổ chức thành công lớp đào tạo chuyên sâu về ứng dụng AI trong hoạt động nghiên cứu và giảng dạy. Đây là một trong số những chương trình bồi dưỡng ngắn hạn của Nhà trường theo Kế hoạch số 55/KH-ĐHVH ngày 23 tháng 7 năm 2024 của Trường Đại học Công nghiệp Việt - Hung nhằm mục đích trang bị cho cán bộ viên chức nhà trường một số kiến thức kỹ năng cơ bản về việc sử dụng công nghệ Al trong hoạt động nghiên cứu và giảng dạy.
Thời lượng của lớp đào tạo trực tuyến bắt đầu từ ngày 14/8/2024 và kết thúc vào ngày 22/8/2024 với sự tham gia của gần 200 học viên là các cán bộ, viên chức trong nhà trường, chương trình đã cung cấp kiến thức về các thuật toán AI, công cụ xử lý dữ liệu, và ứng dụng thực tiễn trong công tác nghiên cứu khoa học và công tác giảng dạy thiết thực cho sinh viên.
Mặc dù học trực tuyến nhưng các học viên trong lớp luôn tràn đầy hứng khởi khi tham gia. Mỗi bài giảng đều mang lại những kiến thức mới mẻ và hấp dẫn về trí tuệ nhân tạo, kích thích sự tò mò và sáng tạo của từng học viên. Việc học trực tuyến không chỉ linh hoạt về thời gian mà còn tạo cơ hội cho người học dễ dàng tiếp cận với những tài liệu và công nghệ tiên tiến nhất. Học viên cảm thấy như được khám phá một thế giới mới, nơi mà các thầy, cô giáo có thể áp dụng ngay những kiến thức vào thực tế, tạo ra những dự án thú vị và đầy tiềm năng cho những bài giảng sắp tới.
Sau khóa đào tạo, các giảng viên đã bày tỏ sự hài lòng và hứng khởi với những kiến thức và kỹ năng mới mà họ đã thu được. “Chúng tôi nhận thấy AI không chỉ là một công cụ hữu ích, mà còn mở ra những hướng nghiên cứu mới, tạo ra những bước tiến quan trọng trong giảng dạy và học tập,” một giảng viên chia sẻ.
Việc tổ chức lớp đào tạo ứng dụng AI lần này không chỉ khẳng định quyết tâm của Trường Đại học Công nghiệp Việt - Hung trong việc đổi mới giáo dục, mà còn mở ra nhiều cơ hội phát triển cho giảng viên và nhà nghiên cứu, góp phần xây dựng một nền tảng vững chắc cho tương lai công nghệ của nhà trường và vào sự phát triển bền vững của xã hội trong kỷ nguyên số đồng thời khẳng định vị thế tiên phong trong lĩnh vực công nghệ giáo dục.
Tin và ảnh: Nguyễn Thị Vân Anh