Thứ sáu, 28 Tháng Mười, 2022
Sinh viên, những chủ nhân tương lai của đất nước, một lực lượng đông đảo của xã hội, họ - những con người được trang bị cho mình đầy đủ cả về trí và lực. Ngay từ khi còn đang ngồi trên ghế giảng đường, các bạn sinh viên đã không ngừng tích luỹ kiến thức, kinh nghiệm để phục vụ cho công việc trong tương lai.
Ngoài việc trang bị cho mình những kiến thức tiếp thu được từ trên giảng đường Đại học, các bạn sinh viên cũng có cơ hội để tiếp cận với những kiến thức thực tiễn đến từ hoạt động: đi làm thêm. Hiện nay, việc đi làm thêm đã không còn là những hiện tượng nhỏ lẻ mà nó đã trở thành xu hướng, gắn liền với đời sống học tập và sinh hoạt của sinh viên. Sở dĩ, việc đi làm thêm đã trở thành xu thế vì trong hoàn cảnh thị trường việc làm cạnh tranh khốc liệt như ngày nay, kiến thức trên sách vở là không đủ, kiến thức xã hội – thực tế, các kỹ năng mềm có ảnh hưởng rất lớn đến khả năng tư duy việc làm, trình độ chuyên môn của sinh viên sau tốt nghiệp.
Tuy vậy, thực tế vẫn tồn tại rất nhiều các vấn đề nan giải xung quanh. Vấn đề đi làm thêm có thực sự là cần thiết đối với sinh viên? Nếu cần thiết thì nên đi làm thêm vào thời điểm nào, nghề gì và làm như thế nào,..? Đó vẫn luôn là những vấn đề nóng hổi không chỉ được các bạn sinh viên mà còn cả gia đình, nhà trường, doanh nghiệp và xã hội quan tâm.
Trong một cuộc khảo sát nhỏ được thực hiện để điều tra về tình hình sinh viên đi làm thêm ở một số trường như Học Viện Ngân Hàng, ĐH Kinh tế Quốc Dân, ĐHCN Việt Hung với số lượng là 100 bạn, câu trả lời nhận về là đại đa số trong số các bạn đã và đang đi làm thêm bắt đầu đi làm thêm từ năm nhất và lý do được lựa chọn nhiều nhất là do tiêu hết tiền được trợ cấp từ phía gia đình ngay từ tuần thứ 2-3 trong tháng. Các công việc làm thêm được chọn nhiều nhất lần lượt là: gia sư, bán quần áo theo giờ, nhân viên chăm sóc khách hàng bán thời gian, phục vụ tại các quán cafe, quán ăn.
Vậy việc đi làm thêm đã đem đến cho sinh viên những “được” và “mất” gì?
Trước hết phải kể đến việc đi làm thêm đã tạo thêm một khoản thu nhập để trang trải cho việc học tập và sinh hoạt phí của 1 số các bạn sinh viên. Có thể thấy, đối với 1 số bạn sinh viên có điều kiện gia đình khó khăn, gia đình không chi trả được học phí, phí sinh hoạt thì đây là 1 nguồn thu hợp lý và không thể thiếu mỗi tháng. Không những vậy, việc đi làm thêm giúp các bạn hiểu hơn về giá trị của đồng tiền, thấu hiểu được những khó khăn vất vả mà bố mẹ phải trải qua để kiếm được đồng tiền. Cũng từ đó biết trân trọng giá trị của đồng tiền, có kế hoạch chi tiêu 1 cách hợp lý và có trách nhiệm với đồng tiền hơn.
Bên cạnh đó, đi làm thêm cũng giúp các bạn trau dồi, tích lũy kinh nghiệm, ví dụ như bạn học về ngôn ngữ hay sư phạm thì việc bạn đi gia sư ngoài giờ sẽ giúp bạn tích lũy thêmkinh nghiệm cọ xát thực tế; hay bạn học báo chí, truyền thông có thể viết bài cho các tờ báo, tòa soạn để có thể trau chuốt ngôn từ, cách hành văn của mình. Bạn học về kế toán, kinh doanh, quản lý có thể làm thu ngân part-time, telesales,… phù hợp với từng công việc bạn sẽ học hỏi được những kinh nghiệm từ thực tế.
Việc đi làm thêm cũng giúp các bạn sinh viên học hỏi được những kĩ năng mềm: như kĩ năng ứng xử, ví dụ khi bạn làm phục vụ bồi bàn, bạn sẽ học được kĩ năng phục vụ khách hàng, kĩ năng ứng xử, ứng biến trong 1 số trường hợp khách đặc biệt, điều này rất hữu ích nếu bạn học về lĩnh vực dịch vụ, quản lý nhà hàng,việc hiểu được nhu cầu của khách hàng cũng như tình trạng phục vụcủa nhân viên là rất quan trọng, bên cạnh đó còn nâng cao kĩ năng làm việc nhóm.
Cùng với đó,các mối quan hệ sẽ được mở rộng: Khi các bạn được tiếp xúc với nhiều người, tạo lập các mối quan hệ, học hỏi được nhiều điều từ những mối quan hệ này, và hơn thế nữa, các mối quan hệ xã hội đó có thể giúp ích cho bạn trong quá trình làm việc, xin việc sau này.
Thực tế, chúng ta không thể phủ nhận những lợi ích mà việc đi làm thêm đem lại cho sinh viên. Nhưng, bên cạnh những lợi ích kể trên, việc đi làm thêm cũng mang đến những tác hại là ảnh hưởng đến sức khỏe và kết quả học tập:
Việc đi làm thêm triền miên khiến các bạn bị mệt mỏi, áp lực từ công việc, quản lý, khách hàng, cộng với việc không được nghỉ ngơi đàng hoàng, đầy đủ khiến cho sức khỏe bị sa sút, nghiêm trọng hơn sẽ gây ra các bệnh lý. Và như một điều tất nhiên, khi sức khỏe không được đảm bảo, việc học tập cũng sẽ không đạt được kết quả như mong đợi. Trên thực tế đã có rất nhiều bạn sinh viên chỉ vì quá chìm đắm trong việc kiếm tiền từ làm thêm mà bỏ quên việc học, kết quả học tập đình trệ, không ra được trường đúng hạn, thậm chí phải bỏ học do bị nợ môn học quá nhiều. Đặc biệt là đối với những bạn sinh viên năm nhất vẫn còn chân ướt chân ráo bước vào cảnh cửa Đại học, chưa quen với nhịp độ và cách thức truyền đạt tri thức trên giảng đường thì việc làm thêm dày đặc càng khiến các bạn bị “sốc” kiến thức và khó có thể bắt kịp bài giảng.
Bên cạnh đó do chủ quan hoặc chưa có kiến thức về công việc làm thêm, các bạn sẽ không định hướng được công việc làm thêm nào sẽ hỗ trợ việc học hay công việc trong tương lai, bỏ quên nhiệm vụ học tập, gây lãng phí thời gian.
Một tác hại nữa của việc đi làm thêm là gặp phải đa cấp lừa đảo. Bởi sinh viên, đặc biệt là các bạn sinh viên năm nhất còn non nớt trong kinh nghiệm, thiếu sự trải đời nên sẽ rất dễ trở thành “con mồi” của đa cấp, lừa đảo. Với những lời mời chào ngon ngọt như: “không cần bằng cấp”, “không cần kinh nghiệm” vẫn thành công, các bạn sinh viên sẽ rất dễ sập bẫy. Điều đó sẽ khiến các bạn “tiền mất, tật mang”, thậm chí là trở thành cò mồi cho 1 tập đoàn làm ăn phi pháp, hay có thể trở thành “con nợ” của 1 ngân hàng nào đó sau khi chia sẻ thông tin cá nhân chỉ sau vài phút.
Tác hại và lợi ích của đi làm thêm đối với sinh viên là hai vấn đề tồn tại song hành cùng với nhau, nó buộc chúng ta phải quan tâm và suy xét một cách kĩ lưỡng, đểcó thể đưa ra quyết định đúng đắn nhất.
Khi các bạn xác định học và đi làm thêm cùng lúc thì các bạn nên chú ý những vấn đề sau:
– Thứ nhất: các bạn phải xác định được công việc chính của mình hiện nay là gì? Học hay đi làm thêm? Vấn đề nào phục vụ cho vấn đề nào?
Đối với vấn đề này thì chúng ta nên biết rằng nhiệm vụ chính của sinh viên hiện nay là học, và vấn đề đi làm thêm là để phục vụ cho việc học của chúng ta được tốt hơn. Chứ không phải đi học là để đi làm thêm.
– Thứ hai, sức khỏe và thời gian của mình như thế nào? Liệu mình có đủ sức khỏe và thời gian để đảm đương được tốt hai nhiệm vụ này cùng một lúc không?
Bởi lẽ việc đi làm thêm đòi hỏi cường độ lao động của bạn rất cao đôi khi nó vắt kiệt sức lao động của các bạn, và khi bạn giành quá nhiều thời gian vào việc đi làm thêm, các hoạt động học tập sẽ bị sao nhãng, kết quả học tập sẽ bị sa sút.
Để giải quyết các vấn đề trên, các bạn có thể tham khảo ý kiến của bậc phụ huynh, gia đình, thầy cô hay từ các anh chị đi trước để đưa ra lựa chọn một công việc vừa phù hợp về thời gian vừa phù hợp với ngành học của mình.
Để có được một công việc ổn định và thực hiện được ước mơ của mình, các bạn sinh viên cần tích lũy cả kiến thức và kinh nghiệm ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, việc cân bằng giữa việc học và làm thêm chính là một trong những chìa khóa giúp bạn thành công trong tương lai. Vì thế, các bạn phải luôn luôn nhớ rằng nhiệm vụ chính của người sinh viên là học và rèn luyện cho thật tốt để xứng đáng trở thành người chủ nhân tương lai của đất nước. Đừng vì lợi ích trước mắt mà đánh mất những ước mơ, hoài bão, tương lai tươi sáng của mình.
(Tác giả: Phan Thùy Dương - GV Khoa Quản trị - Ngân hàng)
10 Tháng 12
28 Tháng 11
27 Tháng 11
Lễ bảo vệ đồ án tốt nghiệp Khoa Ô tô – Khóa 44 Trường Đại học Công nghiệp Việt - Hung
21 Tháng 11
19 Tháng 11
Hội nghị tổng kết công tác sinh viên và tuyên dương sinh viên tiêu biểu năm học 2023-2024